PVCA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Participatory Vulnerability and Capacity Assessment”, có nghĩa là đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực có sự tham gia của cộng đồng. Phương pháp này đã được Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (Viện AMDI) và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) sử dụng để đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng trong khoảng thời gian từ 13-19/6/2016 vừa qua. Đây là một trong các đánh giá cung cấp kết quả đầu vào cho dự án “Thúc đẩy vai trò tiên phong của Thanh niên trong thích ứng BĐKH vùng Đồng bằng sông Hồng”. (READY)
Điểm mới của đánh giá PVCA trong dự án READY đó là PVCA được thực hiện bởi các Đoàn viên, thanh niên được lựa chọn tại địa phương và các tình nguyện viên câu lạc bộ Hải Đăng Xanh (Hà Nội). Trước đó, đánh giá này đã được thực hiện tại hai địa bàn dự án khác là huyện Giao Thủy (Nam Định) và huyện Tiền Hải (Thái Bình).
Bằng việc đào tạo thanh niên địa phương để họ tự thực hiện đánh giá PVCA, kết quả thu được không chỉ là các thông tin đầu vào phục vụ công tác lập kế hoạch thích ứng BĐKH cấp huyện như mục tiêu dự án đã đề ra. Tham gia hoạt động này, thanh niên có cái nhìn tổng quát và sự hiểu biết sâu sắc hơn về thực trạng của địa phương mình.
Trong ba ngày 13-15/6/2016, dự án đã tổ chức tập huấn cho các Đoàn viên, thanh niên huyện Cát Hải về mục đích, nội dung, quy trình, các công cụ đánh giá PVCA. Thông qua thực hành các công cụ này, các bạn trẻ đã nắm vững được những kiến thức cơ bản về tác động tiềm tàng, nguy cơ của BĐKH, tình trạng dễ bị tổn thương, năng lực thích ứng và các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH tại cộng đồng. Bên cạnh đó, thanh niên còn được nâng cao các kỹ năng: làm việc nhóm, lập kế hoạch, quản lý thời gian, trình bày trước đám đông. Được trang bị nền tảng kiến thức tốt sẽ giúp thanh niên tự tin và nhận thức rõ hơn về vai trò nòng cốt của mình trong các hoạt động của địa phương nói chung và thích ứng BĐKH nói riêng.
Sau đó, nhóm đánh giá tổ chức đi thực địa tại hai xã Trân Châu, Phù Long và thị trấn Cát Hải nhằm thu thập và kiểm chức thông tin PVCA. Đối tượng tham gia cung cấp thông tin PVCA là gần 100 người dân thuộc nhiều nhóm khác nhau như: thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo v.v. Sau khi thu thập được thông tin từ người dân, nhóm tiến hành tham vấn và kiểm chứng thông tin với khoảng 60 cán bộ xã cũng như đại diện các ban ngành đoàn thể, các hội ở địa phương như: UBND xã, tổ dân phố, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân. Đồng thời, việc thu thập tài liệu thứ cấp cũng là một bước không thể bỏ qua nhằm đánh giá tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội ở địa bàn các xã
Sau 3 ngày làm việc tích cực tại các xã/thị trấn, nhóm đánh giá đã tổng hợp toàn bộ thông tin và thực hiện báo cáo kết quả với lãnh đạo UBND huyện Cát Hải vào ngày 19/6/2016. Dự kiến báo cáo kỹ thuật sẽ được hoàn thành trong tháng 7/2016.
Phát biểu tại buổi họp chia sẻ kết quả, chị Vũ Thị Mỹ Liên – Bí thư Huyện Đoàn Cát Hải khẳng định thanh niên Cát Hải luôn đóng vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ môi trường và thích ứng BĐKH. Chị Liên cảm ơn dự án đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho thanh niên và mong muốn dự án sẽ luôn đồng hành với thanh niên Cát Hải trong thời gian tới.
Anh Đoàn Mạnh Tiến, học viên lớp PVCA, chia sẻ đây là chương trình bổ ích với nhiều kiến thức thiết thực. Thanh niên đã được trang bị những hiểu biết về BĐKH, kỹ năng đánh giá PVCA và được tiếp cận bức tranh toàn cảnh về tình trạng dễ bị tổn thương của địa phương. Đây sẽ là nền tảng cơ bản để thanh niên có thể tự mình đưa ra các hoạt động, sáng kiến thích ứng phù hợp với quê hương mình. Mặt khác, hoạt động này cũng tăng cường sự gắn kết của mạng lưới thanh niên trong các hoạt động tập thể tại huyện Cát Hải.
Kết thúc đợt đánh giá, chúng tôi chia tay nhóm thanh niên Cát Hải và lên đường trở về Hà Nội. Có những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười và cả những giọt nước mắt lưu luyến sau hơn một tuần gắn bó, làm việc cùng nhau. Tuy nhiên, những người thực hiện dự án chúng tôi biết rằng, chia tay là hẹn ngày gặp lại trong những hoạt động tiếp theo với sự tham gia tích cực của tuổi trẻ huyện Cát Hải.
*Thông tin tham khảo:
Dự án “Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng” với mục tiêu chung là thúc đẩy các sáng kiến thích ứng BĐKH vùng đồng bằng sông Hồng hiệu quả, sáng tạo và tăng cường vai trò tiên phong của thanh niên trong công tác ra quyết định và hành động thích ứng BĐKH. Dự án được tài trợ bởi cơ quan USAID và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 – 2018, được chủ trì thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và tham gia thực hiện cùng với đối tác Viện Quản lý và Phát triển châu Á (AMDI) và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR).
Ngọc Quỳnh