Trong tháng 3 năm 2016, Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI) và các đối tác đã thực hiện Khảo sát về Kiến thức – Thái độ - Thực hành (KAP) của Thanh niên trong thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) tại 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy vai trò tiên phong của Thanh niên trong thích ứng BĐKH vùng Đồng bằng sông Hồng”
Với nguồn tài trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), dự án READY được thực hiện bởi 3 tổ chức phi chính phủ là: Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI) và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR). Khảo sát KAP với Thanh niên là một trong các hoạt động thu thập thông tin đầu kỳ của dự án, phục vụ cho việc lên kế hoạch thích ứng BĐKH tại các địa bàn dự án trong giai đoạn tiếp theo. Trong các hoạt động thích ứng này, thanh niên sẽ đóng vai trò nòng cốt, đi đầu trong việc thực hiện các kế hoạch và sáng kiến thích ứng BĐKH tại địa phương mình.
Khảo sát KAP với thanh niên được thực hiện với số mẫu là 300 người, phân bổ đều cho 3 huyện Giao Thuỷ (Nam Định), Tiền Hải (Thái Bình) và Cát Hải (Hải Phòng). Đối tượng của cuộc điều tra là các Đoàn viên và thanh niên đang học tập, làm ăn sinh sống tại các huyện và nằm trong độ tuổi 16-35 tuổi. AMDI đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn Thanh niên tại cơ sở để lựa chọn các đối tượng đủ điều kiện tham gia phỏng vấn. Ngoài ra, các khảo sát viên cũng tích cực đến các thôn, xóm tìm đối tượng phỏng vấn phù hợp, nhằm tăng tính ngẫu nhiên của việc lựa chọn mẫu khảo sát.
Khảo sát được thực hiện trên bảng hỏi điện tử và theo phương pháp phỏng vấn cá nhân. Nội dung phỏng vấn tập trung vào các khía cạnh chính sau:
- Kiến thức về thiên tai và BĐKH
- Thái độ đối với BĐKH
- Thực hành BĐKH
- Sự tham gia, vai trò và mức độ sẵn sàng của thanh niên trong các hoạt động cộng đồng tại địa phuơng
- Truyền thông về thời tiết và BĐKH
Dữ liệu thu thập được từ khảo sát đã được chuyên gia nghiên cứu của AMDI tổng hợp và phân tích thành báo cáo kết quả hoạt động. Theo kết quả phân tích, 99,7% thanh niên được khảo sát đã từng nghe đến BĐKH, 90% biết ít nhất một hiện tượng BĐKH và 80% biết ít nhất một nguyên nhân về BĐKH. Đây đều là những tỷ lệ khá cao, phản ánh phần nào kiến thức của họ. Công tác tuyên truyền và ý thức tự giác nâng cao kiến thức của thanh niên có thể là những nhân tố chính góp phần xây dựng một mức kiến thức cao về BĐKH.
Bên cạnh đó, BĐKH cũng là một chủ đề nóng, thu hút được sự chú ý của thanh niên ở ba huyện Giao Thuỷ, Tiền Hải và Cát Hải.
Phân loại theo nghề nghiệp, hầu hết thanh niên ở các ngành nghề đều “quan tâm” tới BĐKH, đặc biệt là những thanh niên thuộc nhóm hộ làm kinh doanh nhỏ và giáo viên (99.9%). Tuy nhiên, chỉ có 60% thanh niên là nông dân thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này. Đây thực sự là một điểm đáng chú ý vì đời sống của nông dân luôn đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết và khí hậu.
Một điểm chính trong cuộc khảo sát ở ba huyện là mức thực hành của thanh niên trong ứng phó với BĐKH. Theo số liệu thống kê, 59% thanh niên đã từng tham gia vào các hoạt động thích ứng với BĐKH, 26% chưa từng tham gia và 15% không biết ở địa phương có những hoạt động như vậy. Những hoạt động tiếp theo của dự án cần nâng cao hơn nữa số lượng thanh niên tham gia vì đây chính là lực lượng nòng cốt, tiên phong ở bất kỳ địa phương nào. Càng nhiều thanh niên chung sức, kết quả của những hoạt động tiếp theo sẽ càng được đảm bảo đúng như kỳ vọng, góp phần vun đắp cho thành công chung của dự án “Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Hồng”.