21/07/2018

AMDI THAM GIA ĐÁNH GIÁ 03 DỰ ÁN HỢP TÁC THỂ CHẾ DO BỘ NGOẠI GIAO PHẦN LAN TÀI TRỢ

AMDI ký hợp đồng với công ty tư vấn tại Đan mạch - Danish Management (thuộc Danish Management Group) và cung cấp chuyên gia M&E trong nướctham gia vào gói đánh giá tổ hợp 03 dự án hợp tác về thể chế (ICI) do Bộ Ngoại giao Phần Lan tài trợ, trong đó, 02 dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và 01 dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đơn vị chủ trì. Trong tháng 1/2018 vừa qua, AMDI đã tổ chức và điều phối thành công buổi họp tham vấn và khảo sát thực địa tại các cơ quan liên quan và cùng với chuyên gia quốc tế thu thập thông tin cần thiết để đánh giá hiệu quả thực hiện các dự án này. 

          “Tăng cường năng lực cho các dự án thủy sản ở Việt Nam” (RIA1-RKTL, 2010-2016) là dự án duy nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham gia trong khuôn khổ 3 dự án hợp tác về thể chế, Viện nghiên cứu Thủy sản Phần Lan hợp tác với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 Việt Nam triển khai tại miền núi phía Bắc và miền Trung Việt Nam, đặc biệt là vùng núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Chuyên gia quốc tế và tư vấn của AMDI có buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị thực hiện dự án và tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản nước lạnh tại Sa Pa nhằm so sánh kết quả dự án trong nuôi trồng thủy sản nước lạnh, các biện pháp giảm thiểu tác động của môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu và thiên tai tới nuôi trồng thủy sản với mục tiêu đề ra ban đầu. 

Một số hình ảnh trong chuyến làm việc và khảo sát tại Sa Pa: 

Làm việc với Trung tâm nghiên cứu Thủy sản nước lạnh tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai)


Tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản nước lạnh của bà con dân tộc thiểu số tại Sa Pa

          Trong dự án “Hiện đại hóa dịch vụ khí tượng thủy văn tại Việt Nam” (PROMOSERV, 2010 – 2016), chính phủ Phần Lan mong muốn tăng cường năng lực cho Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trải qua 2 giai đoạn thực hiện 2010 – 2012 và 2013 – 2016, năng lực của các cán bộ chuyên môn được cải thiện thông qua các buổi hội thảo chuyên môn, tham quan học tập tại Phần Lan, tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ từ Viện Khí tượng Phần Lan. Trao đổi với các chuyên gia đánh giá, Trung tâm Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia đề cao sự hỗ trợ cả về kỹ thuật và trang thiết bị cho công tác khí tượng và dự báo khí tượng thủy văn tại Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay. Sau khi dự án PROMOSERV kết thúc, Trung tâm KTTV quốc gia hướng đến cung cấp dịch vụ KTTV chất lượng cao, tăng số lượng người sử dụng dịch vụ cuối cùng và đưa ra dịch vụ KTTV có tính phí. Thông qua dự án, Trung tâm đã bắt đầu thúc đẩy công bằng giới trong các hoạt động KTTV của đơn vị - lĩnh vực mà vốn có rất ít nữ giới tham gia. 

          Dự án “Giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho địa phương” (VIETADAPT, 2011 – 2016) là kết quả hợp tác giữa Cục địa chất Phần Lan và Trung tâm Dự báo và Cảnh báo Tài nguyên nước và Phân Viện Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Dự án đã đề xuất các giải pháp chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương. Trong đó, mục đích chính của dự án nhằm tăng cường năng lực cho các đơn vị thực hiện dự án về quản lý nguồn nước mặt và nước ngầm trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hai địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm dự án là huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa). Các giải pháp về bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước mặt và nước ngầm hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu được đề xuất trong dự án VIETADAPT rất cụ thể và phù hợp với điều kiện của từng địa phương

Họp với Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước


Tham quan khu khai thác, lọc nước và đóng thùng nước – cung cấp cho các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường


Họp với Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu

  

Khảo sát bãi xử lý rác Tóc Tiên cho toàn bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại huyện Tân Thành

          Cuối tháng 1/2018, nhóm đánh giá đã có buổi trình bày về kết quả của chuyến khảo sát này tại Bộ Ngoại Giao Phần Lan và nhận được phản hồi tích cực. Trong tương lai gần, chính phủ Phần Lan mong muốn tiếp tục được hợp tác với chính phủ Việt Nam, chuyển đổi từ hợp tác tài trợ  sang hợp tác thương mại trong giai đoạn tiếp theo. 

Thông qua gói đánh giá này, AMDI tiếp tục khẳng định danh tiếng của mình trong lĩnh vực tư vấn nói chung và lĩnh vực biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai nói riêng không chỉ ở Việt Nam mà trong khu vực châu Á. 

Linh Chi

Tin Liên Quan