LIÊN DANH AMDI – KANKYO KÝ HỢP ĐỒNG CUNG CẤP DỊCH VỤ TƯ VẤN CHO GÓI THẦU “NGHIÊN CỨU CẢI TIẾN CÔNG NGHỆ KHÍ SINH HỌC VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ KHÍ SINH HỌC THEO CHUỖI GIÁ TRỊ” THUỘC DỰ ÁN “HỖ TRỢ NÔNG NGHIỆP"
Vào ngày 29/12/2017 Liên danh Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI) và Công ty Cổ phần KANKYO Việt Nam đã ký hợp đồng với Ban Quản lý dự án trung ương Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp (Ban LCASP) cung cấp dịch vụ tư vấn gói thầu “Nghiên cứu cải tiến công nghệ khí sinh học và sử dụng hiệu quả khí sinh học theo chuỗi giá trị” nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp” do Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Việt Nam tài trợ . Gói thầu sẽ được thực hiện trong 18 tháng từ tháng 1năm 2018 đến tháng 6 năm 2019.
Liên danh AMDI-KANKYO họp khởi động với Ban LCASP
Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp (LCASP) được ký vào năm 2013 giữa Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tác động dự kiến của Dự án nhằm tăng khả năng tiếp nhận công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp (CSAWMP) thông qua tăng cường sử dụng nguồn năng lượng khí sinh học sạch và phân bón hữu cơ từ chất thải khí sinh học. Dự án cũng sẽ nâng cao năng lực của các bên liên quan thông qua phổ biến kỹ năng và kiến thức về các công nghệ tới các đối tượng hưởng lợi. Mục tiêu của Dự án bao gồm (i) Cải thiện hoạt động quản lý chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm từ công trình sản xuất khí sinh học; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo ra nguồn năng lượng sạch, phân bón hữu cơ sinh học và nguồn thu từ cơ chế phát triển sạch (CDM), (ii) Tăng cường ứng dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp các bon thấp đã được công nhận hiệu quả; sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo và phân bón hữu cơ sinh học từ chất thải nông nghiệp và nhân rộng các mô hình để giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, và (iii) Nâng cao năng lực của các bên liên quan bằng cách phổ biến kỹ năng và kiến thức về công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp tới các bên hưởng lợi. Dự án được thực hiện tại 10 tỉnh gồm Bắc Giang, Bến tre, Bình Định, Hà Tĩnh, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Sóc Trăng, Sơn La và Tiền Giang trong 6 năm (2013-2018). Dự án bao gồm bốn hợp phần như sau:
Hợp phần 1: Dự án sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng quản lý chất thải chăn nuôi thông qua: (i) Hỗ trợ xây dựng 36.000 công trình KSH quy mô nhỏ, 40 công trình KSH quy mô vừa, 10 công trình KSH quy mô lớn kết hợp với cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị KSH. Có ít nhất 5% số công trình KSH quy mô nhỏ sẽ được xây dựng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại ít nhất 3 tỉnh của dự án; (ii) Đến năm 2018, đào tạo tập huấn cho 36.000 hộ nông dân (ít nhất 50% là phụ nữ), 500 thợ xây (ít nhất 20% là phụ nữ), 160 kỹ thuật viên (ít nhất 20% là phụ nữ) về các nội dung liên quan đến xây dựng, vận hành, môi trường của công trình KSH quy mô nhỏ; 10 kỹ sư và 10 nhà thầu xây dựng được đào tạo và đăng ký vào Hội khí sinh học; (iii) Xây dựng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu (có đăng ký tên cả vợ và chồng) để quản lý hiệu quả công trình KSH được xây dựng và áp dụng cho dự án.
Hợp phần 2: Cung cấp tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học: (i) thông qua 2 định chế tài chính cung cấp tín dụng cho 36.000 hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp để xây dựng công trình KSK và các hạng mục môi trường đi kèm; (ii) Có ít nhất 50% khoản vay, hợp đồng đứng tên cả vợ và chồng hoặc đứng tên vợ làm đại diện; hoạt động tập huấn kỹ thuật về quản lý chất thải chăn nuôi và KSH cho cán bộ của các định chế tài chính.
Hợp phần 3: Chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp thông qua: (i) Đào tạo và thực hiện mô hình khuyến nông nhằm chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp cacbon thấp tại 10 tỉnh dự án, trong đó có ít nhất 50% người hưởng lợi là phụ nữ và có sự tham gia của các tổ chức cộng đồng; (ii) Xây dựng chiến lược nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp cacbon thấp dựa trên cơ sở cộng đồng, bao gồm hoạt động truyền thông và kế hoạch hoạt động lồng ghép được soạn thảo chi tiết; (iii) Thực hiện các mô hình nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng về sản xuất nông nghiệp cacbon thấp, trong đó có 30% mô hình được lồng ghép vấn đề giới. Các mô hình thí điểm và nhân rộng sẽ tập trung vào sản xuất nông nghiệp các bon thấp để sản xuất năng lượng, điện và phân bón hữu cơ
Hợp phần 4: Quản lý dự án: (i) Thành lập và vận hành hệ thống quản lý dự án gồm Ban QLDA Trung ương và các Ban QLDAt tỉnh với đội ngũ cán bộ có trình độ và cơ sở vật chất đầy đủ với ít nhất 30% nhân viên là nữ và một đấu mối về giới sẽ được chỉ định; (ii) Xây dựng Hệ thống Giám sát Đánh giá dữ liệu về giới và dân tộc thiểu số; (iii) Chỉ định cơ quan điều phối thị trường cácbon và tổ chức hoạt động của 36.050 chủ sở hữu công trình KSH thông qua các hiệp hội.
Một báo cáo khảo sát người sử dụng khí sinh học được thực hiện bởi SNV năm 2011, chỉ ra rằng 55.6% hộ gia đình được khảo sát đã xả khí sinh học dư thừa, trong khi 19.4% hầm phân giải cấp hộ gia đình đang thải trực tiếp khí mê-tan ra khí quyển mà không qua xử lý. Hơn nữa, việc xả trực tiếp chất thải sau khí sinh học vào hệ thống thoát nước/nước thải của địa phương hoặc vào môi trường dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng tiềm tàng đến môi trường đất và nguồn nước mặt. Trong khi tính hiệu quả của công nghệ hầm khí sinh học cỡ nhỏ đạt được rất ấn tượng, các công nghệ quy mô lớn hơn vẫn chưa được thông qua. Sự tăng trưởng nhanh chóng của công nghệ quy mô nhỏ cũng đã dẫn tới các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động vận hành như việc sử dụng khí sinh học, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính, và sự phụ thuộc và các khoản trợ cấp. Trước thực trạng đó, cải tiến công nghệ hiện có nhằm hỗ trợ thay đổi sản xuất, nhu cầu và việc sử dụng khí sinh học sinh ra là hoạt động ưu tiên đối vớ lĩnh vực khí sinh học tại Việt Nam, nếu muốn đổi mới và tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó việc tìm kiếm giá trị gia tăng trong lĩnh vực khí sinh học cũng cần sự tham gia của nhiều tổ chức hơn nữa.
Mục tiêu của Gói thầu do Liên danh AMDI-KANKYO thực hiện là phát triển và trình diễn các công nghệ mới theo chuỗi giá trị khí sinh học. Đây là nhiệm vụ đầy thách thức nhưng với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực khí sinh học và kinh nghiệm quản lý, đồng thời với đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này chắc chắn Liên danh AMDI-KANKYO sẽ đáp ứng được kỳ vọng của Nhà tài trợ đồng thời hứa hẹn những sản phẩm của dự án có thể nhân rộng và thương mại hóa trong tương lai không xa.