21/07/2018

CHIA SẺ KẾT QUẢ VÀ NHÂN RỘNG THÀNH CÔNG: CÁC KẾT QUẢ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG CỦA AMDI TRONG DỰ ÁN USAID MEKONG ARCC

Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI), đơn vị thực hiện dự án tại Việt Nam đã báo cáo những kết quả quan trọng tại hội thảo chia sẻ các mô hình thích ứng của Dự án Tăng cường năng lực thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (USAID Mekong ARCC). Hội thảo được tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan từ ngày 29-30/3/2016 . Hội thảo đã quy tụ đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ chủ chốt trong khu vực hạ lưu sông Mekong (LMB) tới trực tiếp lắng nghe các đối tác của USAID Mekong ARCC chia sẻ về những tác động của BĐKH và các bài học kinh nghiệm trong những nỗ lực thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng tại 5 khu vực thí điểm của dự án. Mục đích của việc đưa những đại diện này cùng với các đối tác dự án ngồi lại với nhau nhằm tìm ra phương pháp duy trì và nhân rộng những nỗ lực thích ứng và chống chịu với BĐKH trên toàn khu vực hạ lưu sông Mekong.z

Ảnh: Giám đốc dự án AMDI, ông Ngô Công Chính trình bày kết quả thích ứng thí điểm ở Việt Nam tại Hội thảo. (Nguồn: USAID Mekong ARCC)

Trong gần 2 năm vừa qua, AMDI và đối tác địa phương là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cùng với cộng đồng địa phương thực hiện các dự án thích ứng nhằm tăng cường sức chống chịu của các mô hình sinh kế của người nông dân trước BĐKH, bao gồm canh tác luân canh lúa - tôm và nuôi heo trên đệm lót sinh học tại xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Trong khuôn khổ Dự án USAID Mekong ARCC, AMDI đã tiến hành thí điểm mô hình canh tác luân canh lúa - tôm tại 33 hộ gia đình ở Kiên Giang. Những giải pháp thích ứng thí điểm đã giúp cải thiện thu nhập của các nông hộ nhỏ cũng như tăng tỷ lệ sống sót của tôm, kết quả cho thấy hệ thống canh tác này là một phương thức thích ứng khả thi cho người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với các đối tác dự án ở Campuchia, Lào và Thái Lan, AMDI đã trình bày tiến độ, tác động và bài học kinh nghiệm từ những hoạt động thích ứng tới các đại diện đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) tại hội thảo. Mạng lưới các nhà thực hành BĐKH ở Việt Nam cũng tham gia hội thảo, trong đó có đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD).

Ảnh: Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội thảo, bao gồm đại diện AMDI, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và các viện nghiên cứu trong nước. (Nguồn: USAID Mekong ARCC)

Tại hội thảo, đại diện Việt Nam đã tham gia thảo luận một cách sôi nổi về vai trò của hệ thống nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp có sức chống chịu tốt hơn trong những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng ghi nhận thành công của AMDI trong việc tăng cường năng lực thích ứng với các mối đe dọa khí hậu hiện tại và trong tương lai, ví dụ như nhiệt độ ngày càng tăng cao. Những đại diện này cũng chia sẻ rằng dự án đã tạo ra nền tảng cho việc thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng cũng như mối quan hệ hợp tác chặt chẽ mà AMDI đã xây dựng với các đối tác địa phương và cơ quan quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ việc nâng tầm những nỗ lực này vươn xa hơn quy mô các cộng đồng mục tiêu. Đại diện của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh rằng cần có thêm nguồn tài trợ cho các dự án và cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để trang bị cho các cộng đồng ở hạ lưu sông Mekong các kiến thức và kỹ năng để ứng phó với các tác động và mối đe dọa của BĐKH lên các mô hình sinh kế địa phương.

Ảnh: Lãnh đạo AMDI và Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam chia sẻ với cán bộ USAID khu vực Châu Á về kết quả của các giải pháp thích ứng thí điểm tại Hội thảo. (Nguồn: USAID Mekong ARCC)

Joseph Vile

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng truy cập tại:

 http://www.mekongarcc.net/

 https://www.facebook.com/MekongARCC

 http://www.amdi.vn

Tin Liên Quan