21/07/2018

ĐIỀU TRA GIỮA KỲ PHỤC VỤ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN NGUỒN LỢI VEN BỜ VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - CRSD

Từ ngày 18 tháng 3 năm 2016 đến ngày 28/4/2016, Viện Quản lý và Phát triển Châu Á đã tiến hành khảo sát giữa kỳ phục vụ đánh giá tác động của dự án Nguồn lợi ven bờ vì sự phát triển bền vững – CRSD.

Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) được tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện tại 8 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (khu vực Bắc Trung Bộ), Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (khu vực Nam Trung Bộ); Sóc Trăng, Cà Mau (khu vực Nam Bộ). Mục tiêu tổng thể của Dự án là cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững tại các tỉnh của Dự án.

Hoạt động “Tư vấn trong nước thu thập dữ liệu đánh giá tác động dự án giữa kỳ Điều tra cơ bản phục vụ đánh giá tác động của Dự án” do AMDI thực hiện nằm trong khuôn khổ Hợp phần D - Quản lý, giám sát và đánh giá dự án của Dự án. Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, đây là thời điểm cần thiết để đánh giá những tác động ban đầu mà hợp phần C của dự án đem lại cho cộng đồng ngư dân tham gia mô hình Đồng quản lý tại các tỉnh của dự án.

Nhiệm vụ đánh giá giữa kỳ đòi hỏi nhóm khảo sát cần gặp lại hơn 2000 đối tượng ngư dẫn đã tham gia trả lời phỏng vấn trong đợt điều tra cơ bản vào cuối năm 2014 để có sự phân tích, so sánh và đánh giá trực tiếp các kết quả đạt được.

Nội dung thu thập số liệu bao gồm:

  • Thực hành nghề cá và phương pháp đánh bắt;
  • Kiến thức và phương pháp sử dụng thực hành bền vững nghề cá;
  • Sự tham gia và đồng quản lý;
  • Xung đột trong cộng đồng;
  • Thu nhập;
  • Việc làm phi thủy sản và nguồn lao động;
  • Tính bền vững và chất lượng thủy sản;
  • Tọa độ GPS của các hộ gia đình.

Nhằm đảm bảo tính chân thực và sự chính xác của dữ liệu, quá trình thu thập dữ liệu được tiến hành song song trên máy tính bảng và phiếu giấy. Điều tra viên có nhiệm vụ sử dụng máy tính bảng để nhập thông tin trong quá trình phỏng vấn theo mẫu nhập số liệu đã lập trình, những thông tin mang tính định tính được ghi chép nhanh vào phiếu giấy để làm rõ số liệu nhập vào máy tính bảng. Khi kiểm tra số liệu, trưởng nhóm sẽ dựa trên số liệu thu về và kiểm tra chéo trên phiếu giấy khi cần thiết. Bên cạnh đó, trưởng nhóm cũng yêu cầu các điều tra viên hoặc trực tiếp gọi điện phỏng vấn lại các trường hợp số liệu, thông tin chưa rõ ràng, có điểm nghi vấn, mâu thuẫn.

Kết thúc điều tra, tổng số phiếu đã thu về là 2262 phiếu trên 125 xã/phường, thuộc 38 huyện/thị trấn của 8 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Cà Mau. Trong số hơn 2000 ngư dân đã phỏng vấn, hơn 65% là gặp lại đúng đối tượng đã phỏng vấn đầu kỳ. Đối với khoảng 35% số ngư dân không phỏng vấn được, phần lớn nguyên nhân là đã bán ghe, chuyển đổi hoặc nghỉ nghề. Cụ thể hơn, do sản lượng đánh bắt trong những năm gần đây giảm nhiều, ngư dân đi biển chịu rủi ro cao, chi phí ngư cụ lớn, thu nhập bấp bênh, nhiều ngư dân đã bỏ nghề chuyển sang các nghề khác như làm thợ hồ, nuôi gà vịt, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản và làm du lịch (Phú Yên, Khánh Hòa, Thanh Hóa). Một số trường hợp nghỉ nghề do lớn tuổi, đau ốm, chết… nhóm khảo sát vẫn cố gắng phỏng vấn người thừa kế thuyền ghe từ những đối tượng này. Ngoài ra, một phần không nhỏ ngư dân đã nâng công suất máy lên máy lớn, đánh bắt xa bờ dài ngày nên cũng không còn phù hợp với tiêu chí phỏng vấn của dự án. Việc chọn đối tượng thay thế cho những trưởng hợp không phỏng vấn được cũng đã được nhóm khảo sát thực hiện theo yêu cầu của điều phối viên của Ngân hàng Thế giới và BQLDA, đảm bảo phỏng vấn đúng đối tượng theo thứ thứ ưu tiên trong danh sách dự bị của cán bộ Ngân hàng Thế giới cung cấp

Xuyên suốt quá trình thực hiện hoạt động, các nhóm điều tra đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và sát sao từ cán bộ BQLDA Trung ương, các tỉnh và cán bộ Ngân hàng Thế giới. Các nhóm điều tra liên tục cập nhật tình hình thực địa cho các cán bộ liên quan nhằm xử lý tình huống một cách nhanh chóng. Trước khi tiến hành điều tra tại một địa bàn, cán bộ BQLDA các tỉnh chịu trách nhiệm liên hệ trước với các cán bộ địa phương để thông báo kế hoạch và bố trí nhân lực hỗ trợ. Nhờ đó, nhóm khảo sát có thể tìm được đối tượng phỏng vấn nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian và phỏng vấn hiệu quả, đặc biệt là ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên và Sóc Trăng.

Số liệu thu thập được sau khi điều tra tiếp tục được nhóm nghiên cứu của Viện Quản lý và Phát triển Châu Á tổng hợp và làm sạch, phục vụ phân tích số liệu và viết báo cáo theo yêu cầu của Ban Quản lý Dự án và Ngân hàng Thế giới.

Thông tin chi tiết về dự án vui lòng liên hệ ông Ngô Công Chính qua emailchinhnc@amdi.vn.

 

Tin Liên Quan