04/08/2018

GIỚI THIỆU DỰ ÁN "ĐẨY MẠNH KIẾN THỨC ĐỊA PHƯƠNG TRONG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU" TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 19/7/2018, hội thảo giới thiệu dự án “Đẩy mạnh kiến thức địa phương trong thích ứng với biến đổi khí hậu” được tổ chức tại UBND xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Hội thảo được đồng tổ chức bởi Trung tâm hỗ trợ phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em (DWC), Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (Đơn vị thực hiện) cùng các đối tác địa phương gồm Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái và UBND xã Thượng Bằng La. Tham dự hội thảo có lãnh đạo UBND huyện Văn Chấn, các cơ quan hữu quan cùng đông đảo người dân đại diện cho 20 xóm trong xã Thượng Bằng La.

Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Yên Bái, cách trung tâm huyện Văn Chấn 32km, xã Thượng Bằng La có tổng diện tích tự nhiên 9.243ha, 2.024 hộ dân với tổng dân số 8.035 người. Xã là một trong những xã nghèo nhất của huyện Văn Chấn, với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 20% tổng dân số. 70% hộ nghèo trong xã là nhóm người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày và người Mường. Với nông nghiệp là sinh kế chính của người dân, các loại cây trồng chủ yếu tại xã bao gồm lúa gạo, ngô và rau, chè, cây ăn quả có múi. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu VNĐ/ người/ năm. Việc thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh vẫn là một rào cản để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, xã Thượng Bằng La đang phải đối mặt với các thách thức phát triển bền vững cụ thể như chuyển đổi dần sang độc canh cây ăn quả có múi, tác động tiêu cực của thuốc diệt cỏ, thiếu tiếp cận thị trường và thiếu sự tích hợp kiến thức bản địa. Những thách thức này càng trở nên trầm trọng hơn bởi vấn đề bao quát của các mối đe dọa biến đổi khí hậu. Mặc dù cây có múi có lợi thế cạnh tranh cao nhưng vẫn chưa đem lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân ở Thượng Bằng La.

Ông Ngô Công Chính – Viện trưởng AMDI đi khảo sát thực địa vùng trồng cam Văn Chấn

Nhận thức được thực trạng này, AMDI đã xây dựng đề xuất dự án “Đẩy mạnh kiến thức địa phương trong thích ứng với biến đổi khí hậu” và được tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (Bread for the World – BftW) đồng ý tài trợ. Dự án được thực hiện dựa trên sự hợp tác giữa DWC và AMDI, cùng với sự tham gia của các đối tác và người dân địa phương tại Yên Bái trong 24 tháng (tháng 4/2018  - tháng 3/2020). Dự án hướng tới xây dựng mô hình canh tác cây có múi thích ứng với biến đổi khí hậu một cách bền vững được áp dụng trong cộng đồng xã Thượng Bằng La và cải thiện thu nhập cho các hộ gia đình tham gia mô hình này. Dự kiến khoảng 400 hộ gia đình trồng cây có múi trong xã (2.000 người), bao gồm 100 hộ nghèo được hưởng lợi từ các mô hình trông cam ứng phó biến đổi khí hậu và 300 hộ khác được hưởng lợi từ việc nâng cao nhận thức và tập huấn kỹ thuật về biến đổi khí hậu và canh tác cam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đại diện một số thôn, xóm trong xã Thượng Bằng La đến tham dự hội thảo

Tại hội thảo giới thiệu dự án, các đại biểu đã cùng lắng nghe chia sẻ tổng quan về dự án, thực trạng canh tác và mục tiêu phát triển cây ăn quả có múi của huyện Văn Chấn, canh tác nông nghiệp hữu cơ và cùng thảo luận về các thuận lợi, khó khăn của người dân khi tham gia dự án. Cụ thể, một số thuận lợi được đại diện các hộ dân xác định là: kinh nghiệm bản địa trồng cam lâu năm, thời tiết thuận lợi, diện tích đất lớn và thổ nhưỡng phù hợp, chính quyền địa phương có chính sách để hỗ trợ, phát triển cây ăn quả có múi, hệ thống giao thông thuận lợi để vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ… Bên cạnh đó, người dân cũng đã chỉ ra một số thách thức đối với cây cam tại Văn Chấn như: nguồn nước phục vụ canh tác phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiếu vật tư đầu vào, kỹ thuật chăm sóc thiếu khoa học, sử dụng thuốc trừ sâu chưa hợp lý, năng suất thấp, thiếu sự liên kết giữa các hộ nông dân, khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm và thiếu kiến thức về chuỗi giá trị cây cam v.v.

  Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Duy Hiển – PCT UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Đa số người dân xã Thượng Bằng La là người dân tộc thiểu số. Mặc dù đã có những chuyển giao khoa học – kỹ thuật nhất định từ các cơ quan chuyên môn cấp huyện, nhưng bà con vẫn chưa chủ động và có nhận thức đầy đủ về giảm thiểu thuốc trừ sâu và phân hóa học, thuốc diệt cỏ trong canh tác cam. Tôi mong muốn rằng thông qua dự án này, bà con sẽ học được cách thức canh tác hợp lý để phát triển cây ăn quả có múi bền vững và duy trì thương hiệu cam Văn Chấn. Đề nghị lãnh đạo xã, Hội phụ nữ xã Thượng Bằng La và các đồng chí trưởng thôn bản phối hợp tốt để thực hiện dự án đúng kế hoạch, đảm bảm chất lượng và hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của phụ nữ và hộ gia đình về sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững và tăng thu nhập cho các hộ dân theo cam kết của dự án.”

Đại diện các bên tham gia dự án ra mắt người dân xã Thượng Bằng La

Dự kiến từ nay tới cuối năm 2018, AMDI và DWC sẽ thực hiện các đánh giá đầu kỳ nhằm thu thập thông tin về thực trạng canh tác cây có múi tại xã Văn Chấn, đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương trước BĐKH và nghiên cứu chuỗi giá trị cây cam Văn Chấn hiện nay. Sau khi có các kết quả đàu vào, dự án sẽ tiến hành thiết kế các hoạt động tập huấn và hỗ trợ canh tác cây ăn quả có múi bền vững cho bà con nhân dân trong xã.

Ngọc Quỳnh

Tin Liên Quan